Dễ mà khó, khó mà dễ
Một sinh viên mỹ thuật Sài Gòn, gốc Huế, tên Hùng, chia sẻ thêm với chúng tôi rằng không có môn gì dễ mà khó, khó mà dễ giống như ký họa và vẽ truyền thần. Thường thì các lớp sinh viên mỹ thuật càng về sau càng được đào tạo kỹ lưỡng hơn về nghệ thuật mô phỏng nhân thể, còn gọi là môn phẫu thuật hình thể. Nhưng nghiệt nỗi, càng về sau, các họa sĩ trẻ càng thất bại hơn các đàn anh về ký họa và vẽ truyền thần.
Anh cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các thế hệ đàn anh dù sao cũng có độ tĩnh lặng trong tâm hồn cao hơn các thế hệ về sau. Hầu như tính dấn thân vì nghệ thuật của họ cũng cao hơn, họ không bị chi phối bởi sức ép học phí, cơm áo gạo tiền hoặc sự thôi thúc làm giàu, đi làm thêm, chay sô ở các phòng chép tranh… Chính vì thế, họ chín chắn và tử tế với nghề nghiệp, với nghệ thuật hơn.
Hùng nói: Vẽ tốc ký thì vẽ nhanh ra dáng, ra hồn con người đó, còn vẽ truyền thần thì phải vẽ giống 100%. Còn vẽ tốc ký thì chỉ ký họa, ra cái dáng, cái nét, ví dụ như cái mũi lớn thì vẽ cái mũi lớn, ký họa hơn là giống 100%, chỉ ra nét thôi. Khác nhau giữa tốc ký và truyền thần là vẽ tốc ký không cần giống 100% còn vẽ truyền thần phải giống 100%, ít nhất là 90%. Vẽ truyền thần có thể vẽ mất 4 – 5 tiếng hoặc 10 tiếng, 8 tiếng còn vẽ tốc ký thì trong vòng 15-20 phút là xong. Có người họ bắt cái hồn nhanh lắm. Người ta đi chơi mà, họ chỉ ngồi cho mình khoảng nửa tiếng tại đó thôi, rồi lấy hình liền, họ có ngồi lâu đươc đâu.
Phần lớn các sinh viên mỹ thuật khi ra trường, nếu có khả năng và đam mê về ký họa, vẽ truyền thần thường chọn các hội chợ, triển lãm, tổ chức thành nhóm năm người, mười người và trưng bảng quảng cáo để tìm khách đến vẽ, mỗi bức có giá từ vài chục ngàn đồng đến 150 ngàn đồng, tùy vào khổ giấy lớn hay nhỏ.
Uyên, sinh viên vừa tốt nghiệp ngành tranh lụa ở đại học mỹ thuật Sài Gòn than thở với chúng tôi rằng cô thật sự thấy lo lắng cho tương lai, vì nhiều bạn sinh viên cùng lứa với cô cũng học rất giỏi, năng khiếu vẽ truyền thần và ký họa chẳng thua kém ai. Thế nhưng khi ra trường, thất nghiệp dài dài, cuối cùng phải xin vào các phòng văn hóa cấp huyện để làm việc, để vẽ tranh cổ động, cắt chữ và thỉnh thoảng vẽ tranh Hồ Chí Minh theo kiểu ký họa trên các pano, aphich… Quá trình học tập trong trường mỹ thuật được đánh đổi bằng một khoản tiền đút lót để xin việc và cuối cùng là được vẽ chân dung Hồ Chí Minh. Có lẽ chính vì cách làm việc ngược đời, giết chết sáng tạo này đã dẫn đến tình trạng bế tắc của phần đông sinh viên mỹ thuật Việt Nam.
Họ chỉ còn một lựa chọn duy nhất là ra đường vẽ dạo, vào hội chợ, triển lãm để thi triển tài năng. Khoảng thời gian còn lại thì tập trung làm thuê ở đâu đó và chép tranh thuê… Những gì được học trên đường trả lại cho thầy cô.
Uyên nói thêm, rằng dẫu sao, vài năm trở lại đây, nhận thấy các bạn rủ nhau đi thành từng nhóm lang thang rày đây mai đó để vừa sáng tác, vừa vẽ chân dung thuê kiếm tiền, chấp nhận dấn thân cho công việc mặc dù cuộc sống xã hội quá sức chộn rộn đã làm cho chất lượng nghệ thuật của họ sút kém quá xa so với các đàn anh. Có còn hơn không!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét